Khi mới ra trường đi tìm việc hay đã đi làm lâu rồi, chúng ta luôn nhận được lời khuyên của mọi người hãy tìm cho mình một người sếp tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ khó chủ động trong việc tìm được sếp tốt, mà bạn lại rất yêu thích môi trường công ty, phúc lợi và văn hóa ở công ty, nên biện pháp tốt nhất là gây dựng mối quan hệ với sếp để sự nghiệp phát triển.
Một người sếp tốt sẽ khuyến khích nhân viên phát triển sự nghiệp của bản thân. Họ là nguồn động lực thúc đẩy nhân viên phát triển những kỹ năng, dấn thân vào những thách thức, tạo cơ hội cho nhân viên tìm tòi, học hỏi những điều mới, giúp đỡ nhân viên thăng tiến. Mặc khác, nếu một người sếp không có cách quản lý tổ chức tốt sẽ kìm hãm sự phát triển của toàn thể thành viên trong nhóm.
Dưới đây là các cách giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt với sếp của mình!
Làm tốt những công việc của bản thân, bắt đầu từ việc đơn giản
Những công việc đơn giản hàng ngày mà bạn không làm tốt thì sẽ gây ra những rắc rối. Vì mỗi một công việc của một cá nhân trong là một mắt xích giúp hoạt động của một chuỗi sản xuất được trơn tru. Nếu mắt xích đó không tốt sẽ làm cho dây xích bị đứt, hoạt động sản xuất buộc phải dừng lại. Vậy nên, nếu những công việc của bạn có sự sai sót trong những chi tiết nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc của sếp hay nguyên nhóm.
Vì thế, để gây ấn tượng tốt cho sếp bằng cách bạn nên làm tốt những công việc của bản thân trước, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Bạn cần chỉn chu và cẩn thận với từng chi tiết nhỏ trong công việc. Điều này sẽ giúp sếp yên tâm hơn về bạn và đánh giá cao hiệu suất công việc của bạn.
Chỉ cần bạn thể hiện được bản thân là người có năng lực, sếp sẽ không ngần ngại khi giao cho bạn phụ trách những dự án lớn và quan trọng hơn của công ty.
Chủ động trong công việc
Mọi người luôn đánh giá cao những người có sự chủ động hơn là những người chỉ chỗ nào làm chỗ đó. Sự chủ động trong công việc luôn là kỹ năng quan trọng mà mỗi nhân viên cần biết khi mới bắt đầu đi làm. Hầu hết, sếp, người quản lý hay những người đồng nghiệp xung quanh, họ đều tin tưởng những nhân viên có tính chủ động và trách nhiệm trong công việc, không cần sự quản lý hay những lời nhắc nhở thường ngày.
Đừng rụt rè trong những buổi họp, bạn nên mạnh dạn phát biểu những ý kiến và ý tưởng mới của mình nhiều hơn; tình nguyện thực hiện những công việc hay dự án mà bạn hứng thú; thường xuyên đưa ra những giải pháp, những cách giải quyết các vấn đề khó khăn cho đội nhóm.
Việc làm này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt sếp và được tạo cơ hội nhiều hơn trong công việc.
Hãy thực hiện những gì bạn cam kết
Nếu bạn được giao bất kỳ công việc gì, bạn cũng nên cân nhắc xem bạn có thể đảm nhận được nhiệm vụ lần này không, có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không. Tính toán cẩn thận với năng lực của bản thân, thời gian mà bạn có, nhiệm vụ của bạn bao gồm những công việc nào, bạn nên đánh giá thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra lời cam kết hoàn thành công việc.
Mặt khác, khi sếp đánh giá năng lực của bạn chưa chính xác nhưng lại giao cho bạn nhiệm vụ quá sức, bạn cũng nên xem xét lại mình có thể làm được những công việc nào, đừng vội vàng muốn chứng tỏ bản thân mà nhận việc vượt quá khả năng xử lý của mình. Nếu bạn nhận và không hoàn thành đúng hạn, bạn sẽ gây chậm trễ công việc, dẫn tới việc sếp mất lòng tin ở bạn. Còn nếu như, sếp nhất quyết giao nhiệm vụ này cho bạn, bạn nên trình bày bản thân mình hoàn thành được công việc tới đâu và xin sự hỗ trợ từ sếp và một số thành viên để hoàn thành dự án được giao.
Chủ động trong giao tiếp
Một người ít nói hoặc ngại giao tiếp trong những cuộc họp, trong môi trường làm việc hay thậm chí trong những cuộc đối thoại hàng ngày, thì đó là một người rất khó để kết nối. Nếu tính cách của bạn có xu hướng như vậy, bạn nên tìm một phương pháp giao tiếp mới, cởi mở hơn với sếp.
Người quản lý không thích nhân viên viên của mình không trung thực, bạn có thể nói ra những điều bạn chưa nắm rõ hay chưa hiểu. Bởi đó là hành động giúp mọi người trong nhóm hay cả sếp sẽ biết cách điều hướng công việc như nào, nếu bạn giấu diếm chuyện này, có thể gây ảnh hưởng đến công việc chung của nhóm. Một số người sếp cho rằng, nếu bạn cởi mở trong việc chia sẻ những điểm chưa tốt của bản thân hay quan điểm giải quyết công việc của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể chủ động xin họp với sếp theo lịch cố định để có thời gian trao đổi cụ thể về công việc hay định hướng của bạn trong thời gian sắp tới. Đây cũng chính là cơ hội cho bạn tìm hiểu về sếp có dự định gì hay có những suy nghĩ gì về bạn (những điểm mạnh và những điểm yếu). Việc bạn trao đổi với sếp về những mục tiêu định hướng sắp tới sẽ giúp sếp sắp xếp cho bạn công việc phù hợp hơn.
Có thái độ tích cực trong công việc
Môi trường công sở là nơi chứa những điều thị phi hay những chuyện không vừa ý. Bạn nên giữ cho mình một cái đầu lạnh, tránh tỏ thái độ tiêu cực hay đi nói xấu, tạo ấn tượng xấu đối với đồng nghiệp hay sếp. Nếu như sếp của bạn biết được bản thân bạn là người thích gây chuyện thì bạn sẽ nhận điểm trừ trong mắt sếp và có thể cho bạn vào danh sách nhân viên cần xem xét tiếp tục hợp tác hay không.
Do đó, bạn nên giữ cho mình thái độ trung lập và tích cực dù đang ở trong tình huống tệ nhất. Sếp luôn thích người nhân viên có thái độ làm việc tích cực hơn là những người luôn trong trạng thái mệt mỏi, bất mãn gây ảnh hưởng tới tiến độ công việc.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để có thể duy trì được thái độ tích cực lâu dài, bạn có thể tham khảo một số biện pháp như: đi dạo, thiền, gặp gỡ bạn bè để chia sẻ, tham gia những workshop vẽ tranh, làm nến, chúng có thể khiến tâm trạng của bạn được thoải mái và yên tĩnh hơn. Hoặc bạn vẫn có thể trao đổi với sếp và đồng nghiệp về những khó khăn của mình để được giúp đỡ.
Việc tạo dựng mối quan hệ với sếp không chỉ là một công việc giao tiếp cá nhân, còn là cách bạn thể hiện bản thân trong công việc. Đôi khi sếp lạnh nhạt với bạn, không phải là không thích bạn, mà căn bản họ không có thời gian để ý tới bạn, vậy nên bạn cần phải là người đưa tay ra trước để người khác có thể giúp đỡ bạn. Bạn hãy cố gắng nỗ lực hết mình, thành công sẽ tới với bạn!
Nguồn: vietnamworks.com